Lời ngỏ


Truyện dịch


Truyện ngắn


Truyện thiếu nhi


Nghệ thuật sống


Những bài viết khác


Tạp Bút


Sách


Liên lạc


 

 

 

 

Những bài viết khác


 

Ghi chép

CƠN BÃO ĐÃ ĐI QUA!

 

Durian một cơn bão quá dị kì, làm “phá sản” nhiều bản tin dự báo thời tiết kể cả bản tin của Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ hay các cơ quan dự báo khí tượng có uy tín trên thế giới! Không chỉ sự thay đổi cường độ (mạnh lên) của nó mà còn là sự thay đổi liên tục hướng đi vào đất liền.

Từ ngày 2/12/2006 các bản tin dự báo thời tiết đoan chắc bão sẽ  đổ bộ vào các tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau và Nha Trang sẽ là tâm bão. Lúc đó vị trí tâm bão cách bờ biển Khánh Hòa khoảng 360km, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Dự kiến bão sẽ vào Khánh Hòa từ chiều tối ngày 4/12. Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục phát những bản tin dự báo  thời tiết, cảnh báo bão.

Tán gẫu chờ bão

Dân thành phố Nha Trang từ hồi nào đến giờ chưa thấy bão … háo hức đổ xô ra biển … chờ đón  bão !  Tối chủ nhật ngày 3/12, con đường Trần Phú rập rờn xe cộ, nhộn nhịp sắc màu. Biển ầm ì sóng vỗ, và người người cứ lũ lượt đổ ra biển như … ngày hội. Người ta hầu như chẳng quan tâm đến những tác hại của bão mà chỉ thấy.. tò mò.  Lúc này nhà dân vẫn chưa thấy rục rịch công việc gì để phòng chống bão, mặc dù trên các loa phóng thanh khắp thành phố những bản tin dự báo thời tiết được phát từng 30 phút một. Đêm 3/12 là một trong những đêm bình thường của thành phố vào mùa biển động, chỉ có sóng biển vẫn ầm ào mang đầy vẻ đe dọa.

Sáng sớm ngày 4/12, tại bờ biển khu vực quảng trường 2/4, số người tụ tập … xem bão càng lúc càng nhiều, đài truyền hình phỏng vấn chủ tịch UBND tỉnh về các biện pháp phòng chống bão. Khách nước ngoài, dân địa phương cứ thế mà ra biển, chụp hình, chỉ trỏ những con sóng. Dự kiến chiều bão sẽ vào thành phố. Người dân cứ kệ!

Tôi làm một vòng thành phố ghi lại những cảnh yên bình của Nha Trang trước khi Durian dự kiến đến. Bờ biển Nha trang vẫn nhàn hạ bởi du khách ngắm biển và dân địa phương vẫn ung dung tập thể dục buổi sáng , thậm chí có một vài các em nhỏ còn chơi thả diều trên bờ biển! Bên kia đường, nhân viên khách sạn đưa các lều nấm ngoài bãi biển vào hẳn trong khuôn viên. Chưa thấy khẩn trương gì lắm!

bình yên trước bão

Ghe thuyền về tránh bão

Ra khơi trong mùa giông bão

Lấy cát về chống bão

Kéo lều vào cất

Chống bão ở xóm cồn

Ở khu vực cầu Trần Phú, trong khi bên này  các lực lượng phòng chống bão đang ra sức sơ tán người dân Xóm Cồn, đắp bao cát chắn bờ kè, chằng mái tôn … Thì, bờ  biển phía bên kia, một vài ngư dân đang ngồi trên bờ đá nhìn ra biển và.. bàn tán về cơn bão sắp đến (nếu có), với vẻ … nhàn hạ hiếm thấy! Riêng chị Cúc, nhà ở P. Vĩnh Thọ, nét mặt không dấu vẻ lo lắng, nói với tôi  :

- Suốt đêm qua không chợp mắt được chút nào. Bè tôm chờ xuất bán còn ở ngoài Bãi Trũ , gia tài sản nghiệp dồn hết ngoải. Sáng nay ổng hối đi quá trời!

Chỉ theo chiếc ghe nhỏ đang chòng chành cố chèo vượt qua mấy làn sóng trắng xóa xô liên tiếp vào bờ, chị nói tiếp:

- Tối qua phải mua thêm 600 ngàn dây thừng để sáng nay ba cha con ổng ra cột bè thêm cho chắc.

Tôi nhìn đồng hồ tay, lúc đó là 7 giờ 45 phút . Hỏi chị :

- Ra bây giờ khi nào vô lại.

- Ở ngoải luôn chớ vô  sao kịp. Rồi, rồi qua rồi, qua khỏi được mấy con sóng kia, ngoài đó êm.

Chỉ tay ra biển chị nói trong tiếng thở phào nhẹ nhõm. Một người đàn ông khoảng trạc 40 tuổi nói :

- Trời êm vầy, bão mới ghê. Giờ đang gió chướng, khi nào láng gió là có bão. Cơn bão này khó đoán quá, tưởng là suy yếu, hóa ra lại mạnh hơn.

Một ông cụ già khoảng 80 tuổi nói  tiếp:

- Nha Trang hồi nào đến giờ có thấy bão đâu. Kỳ này bão mà vào là phải biết. Khi nào gió đông bắc thổi tan gió tây bắc, gió đông nam xuất hiện, lúc đó mới là lúc tàn phá. Hồi xưa không có dự báo thời tiết,  gió chướng này bão khó đoán lắm, nên mới chết nhiều. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đi biển , thấy kỳ này có vẻ bất thường.

Thế nhưng , nói là như vậy nhưng tôi thấy tâm lý phòng bão vẫn chưa hề có  kể cả những người quanh năm đầu sóng ngọn gió. Tôi chia tay họ mang tâm trạng bất an và nỗi lo lắng. Nếu bão có vào thành phố…  Người dân  cho đến giờ này vẫn còn quá chủ quan!

9 giờ 30 phút. Những cơn mưa bắt đầu. Mặc , dòng người vẫn kéo ra biển để ngắm nhìn những con sóng. Thành phố lác đác người dân ra biển xúc cát. Tất cả mọi sinh hoạt vẫn không có gì thay đổi.

Bản tin thời sự trên VTV1 lúc 12 giờ trưa đúng như tâm trạng của tôi. Phóng viên bình luận về sự chủ quan của người dân Nha Trang  tỉ lệ nghịch với  tốc độ đang đến gần của cơn bão. Người dân Nha Trang lúc này mới cảm nhận được tính nguy cấp của vấn đề. Tôi ghi nhận được điều này khi chạy xe một vòng thành  phố : nhà nhà tỉa cây ( lại còn quét dọn cẩn thận!), nhiều cửa hiệu trên phố  bắt đầu đóng cửa. Ở các quán cà  phê, quán nhậu, internet vẫn đông khách ngồi … chờ bão đến. Bởi vì thật sự chẳng ai biết phải làm gì ngoài việc phó thác cho trời!

Thành phố yên ắng (và có vẻ gọn gàng) như chiều 30 tết !

Tuy nhiên, như quả bóng xì hơi, mọi áp lực đè nặng lên người dân Nha Trang được giải tỏa khi  bản tin dự báo thời tiết lúc 16 giờ cho biết bão đã chuyển hướng vào Bình Thuận. Người Nha Trang một lần nữa lại thêm sự khẳng định chủ quan: nơi đây chẳng bao giờ có bão!

Đêm 4/12, Nha Trang khá bình yên cho dù có những đợt gió mạnh, hay mưa lớn thảng hoặc thổi qua do ảnh hưởng của bão. Biển động dữ dội và vẫn còn lác đác người ra biển xem những con sóng lớn đánh phả qua bờ kè , mang vào những lớp cát dày đọng lại trên các đường đi dạo .

Như các tin đã đưa, cơn bão Durian sau đó đã đi vào đất liền và càn quét một loạt các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau, thiệt hại người và của khó thống kê hết trong vòng ngày một ngày hai. Trong các tỉnh bị thiệt hại có lẽ hai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bến Tre chịu tổn thất nặng nề nhất . Và một lần nữa người ta khẳng định  có một phần do chủ quan!

Người Nha Trang sau  đó đã nói với nhau rằng dường như Nha Trang có “Bà” đỡ. Bà ở đây là Bà Thiên Y A Na, bà mẹ xứ sở của xứ Trầm Hương!  Tôi có nghe một vài người lể lại :

- Đừng nghĩ người dân Nha Trang chủ quan với cơn bão. Họ thụ động với cơn bão thì đúng hơn . Ngay từ ngày 2-4/12 Tháp Bà rất đông ngư dân tới cầu xin cho bình an. Gia tài sản nghiệp chỉ có chiếc tàu đánh cá. Kinh nghiệm cho thấy dù tàu đã neo, bão mạnh vào cũng đánh tả tơi!

Nhiều người dân Nha Trang sau đó cũng thú thật rằng : chẳng biết phòng chống bão bằng cách nào, không hề có kinh  nghiệm trong việc phòng bão.

Cần hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng chống thiên tai - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã  trả lời phỏng vấn trên báo Khánh Hòa về tình hình phòng chống bão của địa phương, những ngày ông có mặt ở các điểm xung yếu của tỉnh Khánh Hòa

Ông  nói: “Qua tình hình thực tế ở Khánh Hòa tôi càng thấy nhất thiết phải hướng dẫn cho người dân kỹ năng phòng chống thiên tai như các nước tiên tiến trên thế giới đã làm . Phải đưa nội dung này vào trường học , giáo dục cho học sinh những kiến thức cơ bản về hiểm họa thiên nhiên và cách đối phó phòng tránh . Nha Trang là thành phố biển vậy mà số người biết bơi cũng  rất ít . Nhiều người chẳng biết giằng buộc nhà như thế nào cho chắc chắn …. Khi đi kiểm tra khu vực cầu Xón Bóng , khu Vĩnh Trường tôi thấy thậm chí nhiều ngư dân không biết neo tàu thuyền tránh bão như thế nào. Xuống cảng Hòn Rớ thì ghe thuyền neo đậu chiếc ngược , chiếc xuôi chỉ cần va  đập vào nhau cũng đã tan tành nói chi đến bão. Thông tin báo , đài , loa phát thanh và kể cả cán bộ xã, phường đến tận nhà thông báo về diễn biến phức tạp của cơn bão số 9 vậy mà nhiều người vẫn bình chân như vại. Mặc dù nhà cửa tạm bợ , vậy mà người ta lại bỏ nhà , kéo nhau ra biển coi sóng, vẫn ngồi nhậu bình thường”.

Lời cảnh báo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn  hình như đã ứng nghiệm ở một số tỉnh Nam Bộ có cơn bão đi qua! Lời cảnh báo này khiến tôi nhớ đến câu chuyện một em gái vừa học qua những kiến thức về sóng thần đã cứu biết bao người trong đợt sóng thần Ấn Độ Dương năm  2004 ở Phillipines và Thái Lan .

Thiên tai sẽ không chừa một quốc gia nào, một tỉnh thành nào. Đừng để cảnh mất gà rồi mới làm chuồng . Thiết nghĩ trong tương lai những tờ rơi  về thảm họa thiên tai và cách phòng chống làm sao đến được từng hộ gia đình như một giáo trình  về kỹ năng phòng chống thiên tai.

Cuối cùng xin trích thêm ra đây  bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn đăng trên báo Thanh Niên điện tử ngày 5/12/2006 để mọi người cùng suy gẫm:

“Tôi viết ra đây một số kinh nghiệm đối phó trong bão Xangsane để bà con rút kinh nghiệm, vì tôi rất đau lòng khi nghe tin gia đình tôi tại Long Hải (Bà Rịa - Vũng tàu) đã bị sập nhà , mặc dù tôi đã cố gọi điện cảnh báo trước vài lần vào hôm qua 4/12/2006, nhưng gia đình tôi  vẫn chủ quan và đã đón nhận hậu quả vào lúc 4h30 sáng nay 5/12/2006.

Trước khi bão đến

- Theo dõi sát thông tin khí tượng thủy văn về hướng  bão và tọa độ bão đang vào địa phương mình là điều tối quan trọng.

- Chuẩn bị rào chống che chắn cửa kính , cửa sắt kéo (đều có thể bị tàn phá cho dù nhà không bị sập). Lấy bao tải cát 20kg chận lên mái tôn (cách nhau 0,5m/bao) trên các đòn tay và nhất là rìa mái dọc và ngang của mái tôn , nếu cần thì dùng dây cáp choàng qua mái tôn và neo cọc xuống đất, cáp chằng  cách nhau 2m có 1 sợi .

- Tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt, nhà nào có bồn inox trên mái nhà phảo cho nước vào đầy bồn . Chuẩn bị thực phẩm, đèn cầy , đèn dầu vì trước và sau bão sẽ bị mất điện , lậu hồi phục . Chuẩn bị thuốc men đầy đủ vì trước và sau bão  có mưa gây lụt và nước ô nhiễm gây dịch  bệnh

Trong Bão

- Chọn chỗ an toàn trú thân , không ra ngoài để tránh bị cây đè, gió quật ngã hay tôn bay chém vào người .

- Khi tâm bão đến thì  trời bỗng lặng , nhưng chốc lát gió lại nổi lên cuồng phong và đổi hướng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng hơn, vì thế sau vài giờ bão đi qua mới nên rời chỗ trú ẩn để khắc phục hậu quả.

Sau bão

- Ăn chín, uống chín , cẩn thận khi ăn rau  sống

- Nhiều bà con xem thường khi trước lúc bão đến nửa ngày hay 1 ngày trời quang mây tạnh nên càng khinh thường , vì vậy khi bão đến trở tay không kịp”. 

 

 

Đào Thị Thanh Tuyền

 


Những bài viết khác


Home

Khởi đăng: 20/4/2002 - Cập nhật: 16/11/2006