TRỞ LẠI CHỐN QUEN
- Đào Thị Thanh Tuyền -
1. Tôi nói với lên khi
nhìn thấy người tài xế tắc xi đưa tay định bấm đồng hồ tính tiền:
- Đừng bấm đồng hồ, tôi sẽ trả
anh hai mươi ngàn đồng, mọi lần đi từ đây đến đó đồng hồ nhảy lên hai mươi
lăm ngàn.
- Chị cũng rành Saigon quá há, có
người không chịu đâu....
Chiếc tắc xi vọt lên, tôi ngã đầu
ra lưng ghế. Thế là tôi đã đến Saigon sau một đêm gần như thức trắng trên xe
lửa. Buổi sáng ban mai lành lạnh, mặt đường còn loang loáng nước, hình như
tối hôm qua ở đây đã có một cơn mưa rất to. Tôi nhìn ra ngoài khung cửa xe,
những hàng cây cao, những dãy phố, tòa nhà lùi dần, lùi dần về phía sau, con
đường như nuồt từ từ chiếc xe tôi đang đi. Tôi nhìn ra ngoài cửa xe, mặt
trăng muộn bị chăng ngang bởi những sợi dây điện chằng chịt trông chật hẹp
và rối mắt, bên cạnh chiếc đĩa tròn nhợt nhạt ấy có một ngôi sao lẻ loi và
tội nghiệp làm sao ! Chắc là Bình sẽ ngạc nhiên khi thấy tôi. Không, khi
nghe tôi báo là đã đến đây qua điện thoại. Hơn nửa năm rồi tôi chưa gặp lại
Bình, nhưng tự nhiên lúc này trong tôi lại không có một cảm giác gì nôn nao
so với hôm qua hay hôm kia khi sửa soạn hành lý. Bao giờ cũng vậy, khi đặt
chân đến đây là tự nhiên trong tôi có một cảm giác mỏi mệt, không biết có
phải đó là do một đêm thức trắng(?)....
Người bảo vệ nhà khách đón tôi
với nụ cười thật tươi :
- Lâu lắm mới thấy cô vào.
Tôi khệ nệ mang hai cái túi xách
thật nặng, trong đó đựng những gói quà đầy ăm ắp tình thương yêu của cha mẹ,
anh chị gởi cho con, em.... Trước khi tôi đi, mấy người bà con đã nhờ chuyển
vào Sàigon đủ thứ cho mấy đứa đang học ở đây : ruốc chà bông, mực tẩm, bánh
tráng, cà phê.... Toàn là những thứ chắc chắn rằng khi nhận bọn chúng sẽ
thích, sẽ nhớ đến người thân và biết đâu có cả những giọt nước mắt làm cho
cổ họng nghèn nghẹn khi nuốt vào, để nhắc nhở phải cố gắng học hành, cho đến
hết mấy năm.... Người bảo vệ đỡ cho tôi một túi xách. Tôi bước đến quầy. Anh
nhân viên khách sạn nhìn tôi :
- Chị ở Nha Trang? Đã đăng ký
khách sạn hôm qua?
Tôi gật đầu. Anh ta đưa tôi chiếc
chìa khóa.
Việc đầu tiên bước vào phòng là
tôi đến bên cái điện thoại. Tôi liếc nhìn đồng hồ, giờ này chắc Bình còn
ngủ. Tôi bấm số điện thoại của Bình. Tiếng chuông đổ nhiều hồi ở đầu dây bên
kia. Mãi thật lâu tôi mới nghe được tiếng alô ngái ngủ quen thuộc của Bình.
- Xin lỗi, chào buổi sáng....
- Hà hả, có việc gì không em?
- Em đang ở cách anh bây giờ
không phải bốn trăm năm mươi cây số nữa mà chỉ còn khoảng năm cây số....
Giọng Bình không có vẻ gì là vui
lắm như mọi lần (hay là do tôi tưởng tượng?)
- Em vào lúc nào ?
- Vừa mới
- Sao không báo để anh đi đón
- Sợ phiền anh, em thích cái cảm
giác một mình khi bước xuống tàu lửa....
- Em vào mấy ngày ?
Tôi thở hắt khi nghe câu hỏi của
Bình. Tôi mới vào mà Bình đã hỏi tôi ngày về một cách khéo léo.
- Khoảng hơn mười ngày, em đi
học.
- Em vẫn ở Nhà khách mọi lần chớ
? Chờ anh, anh sẽ đến, tụi mình đi ăn sáng.
Bình đến, dáng điệu thật mệt mỏi
dù đang là buổi sáng. Tôi không dấu được vẻ tò mò, nhìn Bình kỹ càng như
chưa bao giờ nhìn kỹ hơn thế. Bình cười khì khi thấy ánh mắt nhìn lom lom
của tôi :
- Thấy anh tàn tạ quá há?
- Không, đẹp trai lắm, em đang cố
nhìn kỹ coi có dấu vết nào của sự thay đổi chưa, chẳng hạn như là tối hôm
qua có một cô đã ôm hôn thắm thiết khi từ giã
Bình không cốc vào đầu tôi như
mọi lần mà giục :
- Thôi, đi kẻo trễ!
2. Tôi cố gắng mở cặp mắt
cay xè vì thiếu ngủ nhìn lên bảng. Những hình ảnh, những dòng chữ qua chiếc
đèn chiếu lung linh nhảy múa. Người giảng viên vẫn nói thao thao về những
phép tính, sai số trong phòng thí nghiệm, hành động cần khắc phục, thủ tục
đánh giá.... Những mái đầu ngồi trước tôi có cái cúi xuống hí hoáy ghi ghi,
chép chép, có cái ngước lên, hình như cũng có cái gục hẳn xuống bàn.... Tôi
cũng muốn gục xuống bàn để nhắm mắt lại một chút, nhưng tôi ngại, tôi mắc
cỡ..... Đầu óc tôi bắt đầu lan man. Sáng nay trông Bình thật mỏi mệt. Bình
không ăn sáng, chỉ uống ly cà phê thật đậm và nhìn tôi ăn. Tôi cũng chỉ khèo
khèo mấy miếng. Bao giờ cũng vậy, sau mỗi lần đi công tác là tôi xuống mấy
ký lô..... Bình chẳng đá động gì đến chuyện của hai đứa. À, mà tôi mới vào
sáng nay. Tôi còn những gần mười đêm và mười một ngày ở Saigon. Bình nói tối
nay sẽ đến. Tôi tưởng tượng tối nay Bình sẽ chở tôi đi đưa cho bằng hết
những gói qùa từ Nha Trang gởi vào Saigon, rồi sau đó hai đứa sẽ đi lòng
vòng, vào một quán nào đó, rồi Bình đưa tôi về, cứ như thế cho hết mười đêm.
Không biết Bình có nói gì đến tương lai ? Không biết liệu Bình có nói đến
những điều sẽ phải cưu mang tôi ? Tại sao tôi lại có ý nghĩ rằng mình chỉ là
một thân tầm gởi gởi vào Bình nhỉ? Ngày tôi quyết định về Nha Trang làm
việc, Bình đã nói với tôi :
- Anh sẽ cố gắng để tạo được một
cuộc sống ổn định rồi mới cưới nhau, anh muốn em về Nha Trang, anh muốn em
sống bình yên trong thời gian này.....
Rồi một năm. Hai năm. Đến bây giờ
đã là bốn năm. Tôi vẫn một mình, thảng hoặc gặp Bình qua những chuyến công
tác, thường xuyên gặp Bình qua điện thoại, có tháng tôi trả tiền ít, có
tháng tôi trả tiền nhiều, đó là những tháng:
- Anh bận lắm, anh không thể gọi
thường xuyên cho em được
Rồi những tháng trả tiền nhiều
càng nhiều hơn. Tôi chỉ còn gọi cho Bình những đêm thật khuya hay những buổi
sáng thật sớm.
Giờ nghỉ giải lao, tôi tranh thủ
đi cộp con dấu vào tờ giấy đi đường, dù gì nó cũng là bằng chứng cho những
ngày tôi gặp Bình và là chứng từ hợp lệ cho cô kế toán cơ quan. Tôi bấm số
điện thoại phòng làm việc của Bình. Tôi thích điện thoại cho Bình khi bấm
một con số không phải là con số không ở đầu để cảm giác rằng mình đang gần
Bình hơn, không còn là hàng trăm ký lô mét. Tiếng một cô gái nào đó hình như
còn rất trẻ :
- Anh Bình đi ra ngoài rồi,
khoảng một giờ nữa chị gọi lại, nếu có gì quan trọng xin chị nhắn.
Tôi cám ơn và cúp máy. Tôi có gì
quan trọng đâu để nhắn ngoài việc muốn gọi cho Bình một con số, không phải
bắt đầu bằng con số không của một cuộc gọi điện thoại đường dài....
2 Bình điện thoại đến khi tôi
đang nằm coi TV :
- Bảy giờ anh đến.
Tôi liếc nhìn đồng hồ, tôi còn
một tiếng để chờ đợi. Một tiếng có gì là quan trọng so với thời gian bốn năm
tôi về Nha Trang, hai năm lang thang ở Saigon sau khi ra trường và năm năm
yêu nhau trong trường Đại học? Tôi lẩn thẩn làm một con tính cộng. Thế là
tôi quen Bình đã mười một năm. Bằng tuổi một đứa cháu của tôi bây giờ, đứa
cháu mà tôi đã nhìn nó từ ngày nó khóc oe oe, đến khi nó giảng giải được cho
tôi rằng ban nhạc này là ban nhạc Backstreets Boys, bộ phim kia của Hàn Quốc
người đóng vai chính là Jang dong Gun, cô gái cột tóc cao là Choi Jin Sil,
bửa trước trong phim kia để tóc ngang.... Nó giảng giải cho tôi rành rẽ thế
nào là nuôi một con gà ảo : cho gà ảo ăn, cho uống nước, gà bệnh phải chích
thuốc cho nó, dắt nó đi chơi..... Còn tôi đó là khoảng thời gian thấy mình
càng ngày càng lẩn thẩn, nỗi buồn càng ngày càng tăng theo từng nếp nhăn
trên trán, trên khóe môi....
Bình nắm tay tôi bóp chặt khi tôi
để hai bàn tay trên bàn. Trước mặt tôi cô ca sĩ hát thật to cùng với tiếng
ồn ào của mấy cây ghi ta điện, bộ trống.... Tự nhiên tôi muốn khóc. Tay Bình
vẫn ấm. Hai đứa chẳng nói được điều gì khi ngồi trong tiệm cà phê sang trọng
bởi vì nhạc ồn ào quá. Thế mà lại hay, tôi đang muốn đầu óc mình trống rỗng,
những gì muốn nói ngày nào tôi chẳng nói với Bình qua điện thoại. Lúc đưa
tôi về trước cửa khách sạn hình như tôi nghe tiếng Bình:
- Anh mệt mỏi quá!
Đêm đầu tiên ở Saigon, tôi ngủ
được một giấc thật sâu. Trong giấc ngủ tôi mơ thấy một đám cưới, đám cưới
của tôi nhưng không phải với Bình mà hình như với một người nào đó hình như
là Long, là Hùng.... Khi tôi thức giấc đã là 6 giờ 30 sáng. Tiếng chuông
điện thoại reo vang:
- Alô, có phải Hà không ? Long
đây. Tối hôm qua anh có gọi cho em mà không gặp, công việc thuận lợi chớ?
Đúng là Long. Long lúc nào cũng
ân cần, chu đáo, như hôm đưa tôi ra ga xe lửa với những lời dặn dò kỹ càng,
ăn cơm ở đâu ngon mà rẻ, ông thầy nào giảng hay mà tận tình, sẽ có bài kiểm
tra cuối đợt học..... Long hỏi về những cơn mưa ở Saigon. Tôi trả lời Saigon
lạ lắm, giống như mùa đông hay mùa thu ở Nha Trang. Trời không nắng, gió
lộng làm tóc bay, hơi lạnh vào buổi sáng, mưa thảng hoặc vào chiều hay tối.
Thời tiết Saigon hay lắm, giống như một cô gái đỏng đảnh kiêu kỳ bỗng trở
nên đằm thắm nết na. Long nói về cái nóng của Nha Trang. Trời khô hanh, gió
rát mặt của cái thời thời khắc chuyển tiếp giao mùa. Và cuối cùng là một câu
để có thể làm tôi suy nghĩ trong giờ học của buổi sáng nay :
- Anh thấy nhớ em.
Giờ học buổi sáng là của một ông
giảng viên người Anh, tôi cố gắng căng lỗi tai để hy vọng nhét một vài điều
hay hay phát ra từ cái miệng có đôi môi mỏng và đỏ như son. Rồi cũng chấm
hết buổi sáng để buổi chiều bắt đầu bằng một bài giảng khác.
Buổi tối Bình đến, lại ăn tối,
lại cà phê, lại đi lòng vòng. Saigon về đêm hơi gai lạnh, Bình đưa tôi về
khi thành phố đã ngớt người. Trước của Nhà khách Bình nhìn tôi thật lâu,
hình như Bình định nói gì đó, rồi anh lắc đầu :
- Em vào đi, rồi anh đi
Đến lượt tôi lắc đầu:
- Anh đi, rồi em vào.
Tôi chờ cho chiếc xe Bình chỉ còn
là một cái chấm nhỏ mới bước vào nhà khách. Anh nhân viên trực buổi tối nhìn
tôi cười thân thiện:
- Lúc tối có một người tên là
Long ở Nha Trang gọi cho chị.
Tôi nói lời cám ơn và nghĩ chắc
là Long sẽ buồn, nhưng Long đâu có biết rằng tự nhiên bây giờ tôi còn buồn
hơn bao giờ hết khi tôi đang ở trong một thành phố thật lớn. Ở đây tôi có
Bình, tôi gần Bình, nhưng tôi đang cảm thấy xa lạ biết bao. Tự dưng tôi thèm
một buổi chiều thật bình yên ngồi trên bãi biển, bên cạnh là Long, với những
câu chuyện thật tiếu lâm, để hai đứa tha hồ cười ngặt nghẽo. Long là vậy,
bình thường không tham vọng, bất kỳ nghịch cảnh nào cũng biến thành chuyện
vui, kho tàng truyện tiếu lâm. Không như Bình với dáng điệu lúc nào cũng quá
mỏi mệt, tôi e rằng tối nay mình sẽ mất ngủ.
3. Lớp học chia thành bốn
tổ để thảo luận. Ông giảng viên người Anh đi tới từng tổ cố gắng nói thật
chậm rãi, để hy vọng truyền đạt những điều ông muốn truyền đạt. Tôi cố gắng
căng đầu, căng óc tìm cho được một vài chi tiết không phù hợp của cái ví dụ
đề ra trong đề tài thảo luận để đóng góp vào biên bản ghi nhận. Một anh
chàng trong tổ nói đùa một câu để mọi người cười xòa cho bớt căng thẳng. Đầu
óc tôi tự nhiên lại chuyển hướng ra ngoài đề tài đang thảo luận, lan man hết
sự này đến việc nọ. Một người ngồi bên cạnh thúc tôi :
- Chị Hà có ý kiến gì thêm nữa
không?.
Tôi lắc đầu. Buổi thảo luận được
chấm đứt bằng câu chào tạm biệt và chúc thật lịch sự của ông giảng viên
người Anh. Tôi trở về nhà khách và nhận được một tờ giấy ghi lại lời nhắn
của Bình : “Anh đi công tác Cần Thơ khoảng năm ngày, sẽ về Saigon trước khi
em về Nha Trang” - Tôi chợt thở dài. Biết làm gì với những đêm còn lại ở cái
thành phố quá rộng lớn như thế này, với một người khó ngủ như tôi. Tôi lục
tìm trong đầu óc những đứa bạn bè để có thể liên lạc khi thấy buồn. Trời tự
nhiên đổ mưa rất to, trong tôi chợt có một ý nghĩ : Giá như có thể mưa to
như thế này vào mỗi đêm cho đến hết đợt học.
4. Bình từ Cần Thơ về vào
buổi tối cuối cùng tôi ở Saigon. Hai đứa đi ăn tối, lòng vòng khắp các nẻo
đường của cái thành phố thật lớn đầy mùi khói xe. Bình rủ tôi ra ngồi ở Hồ
Con Rùa vừa ăn kem, vừa ngắm người qua kẻ lại. Khác với mọi lần, tự nhiên
Bình lại nói rất nhiều từ chuyện đi Cần Thơ đến hỏi thăm chuyện học hành của
tôi. Tôi thờ ơ nghe Bình nói và cuối cùng Bình đề cập đến một vấn đề mà tôi
không thể thờ ơ được nữa, Bình nói về chuyện hai đứa:
- Anh thấy khó có thể bảo đảm cho
em một cuộc sống đầy đủ. Ở đây công việc làm không ổn định, anh vẫn còn lông
bông quá, mà em…
Tôi ngắt lời Bình :
- Mà em đã sắp quá thì rồi phải
không ?
Bình nhìn tôi khổ sở :
- Anh hy vọng em hiểu.
Đến lượt tôi cao giọng :
- Em hiểu. Hiểu hết. Hiểu rằng
anh không muốn cưới em. Hiểu rằng anh không muốn cái quan hệ này kéo dài
nữa. Hiểu rằng Nha Trang - Saigon xa xôi lắm. Hiểu rằng lúc nào anh cũng
thấy mệt mỏi khi tiếp xúc với em. Hiểu rằng bao nhiêu năm rồi anh muốn nói
nhưng không nói được hay không dám nói....
Tôi nói nhiều để rồi cuối cùng
cũng không biết mình nói những gì. Bình ngồi im lặng nghe tôi trút hết những
điều gì từ lâu tôi câm nín.
Tôi trở về nhà khách, mệt mỏi rã
rời, nằm lăn ra giường chẳng buồn thay quần áo. Tự nhiên đầu óc tôi lúc này
lại tỉnh táo. Tôi mở mắt thật to nhìn lên trần nhà màu trắng, chợt nhớ đến
ngày mai có bài kiểm tra cuối đợt học. Tôi nhớ đến Long và những lời lẽ dặn
dò khi làm kiểm tra. Lúc này tôi cần tỉnh táo. Tôi cần phải làm một bài kiểm
tra thật tốt trước khi về Nha Trang. Có tiếng chuông điện thoại reo. Long ở
đầu dây bên kia cách tôi bốn trăm năm mươi kí lô mét :
- Ngày mai về chưa, anh ra đón.
Tôi trả lời Long bằng một cái
giọng thật khàn :
- Đừng ra đón, em thích cảm giác
một mình khi ở sân ga. |