QUÁN XƯA
- Đào Thị Thanh Tuyền -
Dù trần gian có
xót xa
Cũng đành về với
quê nhà(1)
Thỉnh
thoảng nhớ về quá khứ, trong ký ức mịt mờ những hình ảnh, âm thanh như những
dữ liệu được xếp lộn xộn trong đĩa cứng của máy vi tính, tôi luôn lọc ra
được một chi tiết nhỏ về nó để mà hồi tưởng. Nó ở đây chỉ là một cái quán
bán lèo tèo vài cái bánh tráng, mấy cục kẹo gừng ngọt lự, thơm thơm … Chỉ là
một trong vô số những cái quán đã tạt qua trong cuộc đời, thế nhưng nó cứ
đeo đẳng mãi trong tôi, chập chùng ẩn hiện cả trong những giấc mơ đứt quãng,
nhạt nhòa.
Hồi đó, nhà tôi ở thị trấn. Mười
hai năm đi học, tôi chỉ có một con đường từ nhà đến trường và cái quán ấy
bên đường ấy là nơi dừng chân của một thời tuổi thơ tôi. Cái quán ở đầu con
hẽm nhỏ, đường đi tắt của lũ học trò hay những người đàn bà đi chợ về nhà ở
bên kia thị trấn. Ngôi nhà cổ, mái lợp ngói âm dương, phía trước che những
miếng tôn cũ kỹ, có bóng mát của cây sapôchê thật to trùm kín. Ở gốc cây
sapôchê có hai con khỉ suốt ngày đánh đu trên những nhánh cây, khẹc khẹc
phản ứng lũ học trò tinh nghịch. Buổi trưa đi học sớm, bọn học trò tấp vào
đây, mua cái bánh tráng khoai lang nướng, có rưới nước đường lên trên, vừa
ăn, vừa trêu ghẹo đôi khỉ con. Cái quán hồi ấy như một xã hội thu nhỏ dưới
cái nhìn trong veo và đầu óc nhận xét bé tí tẹo của lũ chúng tôi: ở một góc
xa ông chủ quán loay hoay hết bào, rồi đục, đến cưa …, có con ngựa gỗ muốn
long cả bốn chân. Bà chủ quán ngồi dưới đất, bên cạnh là trả than hồng, tay
cầm chiếc đũa, tay kia cầm vĩ tre thoăn thoắt lật qua lật lại hai mặt cái
bánh tráng. Lũ học trò đứa giương mắt nhìn hai con khỉ bắt chí cho nhau, cầm
cây chọc vào chúng rồi hào phóng tặng cho chúng mảnh bánh thừa; đứa săm soi
cái quầy hàng bày đủ thứ linh tinh xanh đỏ, cuối cùng chọn ra một thứ có khi
chẳng thích lắm để rồi tiếc hùi hụi mấy đồng bạc cắc. Cũng có đứa cắm đầu
vào cuốn truyện tranh nhàu nát được ông chủ lấy cho mượn từ cái kệ cũng cũ
kỹ, già nua như bà cụ đang ngồi bên trong ngó ra. Tên “Quán con khỉ” được
được hình từ lúc nào không rõ, nhưng nó còn khẳng định luôn tên con hẻm: ngõ
quán con khỉ.
Người ta nói khỉ là con vật
thường thù dai. Tôi biết điều đó khi một hôm có đứa bạn sơ ý bị nó chộp được
cánh tay. Nắm được tay người rồi, con khỉ đưa lên miệng và nhay mãi, đứa học
trò hoảng sợ mặt mày xanh mét khóc không thành tiếng. Lũ học trò xúm lại gốc
cây sapôchê la hét om sòm. Bà chủ quán bỏ cái bánh tráng đang nướng lật đật
chạy tới nắm tay con khỉ lắc lắc. Ông chủ quán thả vội cái bào đến nâng mặt
con khỉ và banh hàm nó ra đứa học trò mới thoát, coi như hú hồn. Trong tiếng
lao xao của mọi người, tôi vẫn nghe rõ, bà cụ ngồi bên trong lẩm bẩm: “Bây
chọc nó, bây không nhớ, nó nhớ, nó trả thù. ”. Ấn tượng về những con khỉ
luôn đi kèm trong tôi nét mặt xám ngoét và đôi mắt lơ láo của đứa bạn khi
được con khỉ nhả tay ra. Chúng tôi truyền miệng nhau về việc con khỉ biết
trả thù, thêm thắt chút hoang đường, tăng thêm trí tưởng tượng và sự tò mò
háo hức đi học sớm ghé vào quán con khỉ.
Đôi khỉ cứ loanh quanh chuyền ra,
chuyền vào trên cành cây sapôchê theo nhịp bước chân của lũ học trò. Tuy
nhiên, khi chiều cao của chúng tôi ngày mỗi tăng thì số lần bước vào cái
quán nhỏ xíu ấy càng giảm. Nhu cầu của tuổi bắt đầu lớn không còn là những
cuốn truyện tranh, cái bánh tráng khoai lang nướng hay cục kẹo gừng ngọt lự
nữa. Cho đến một hôm đi học về vội vã, ngang qua quán bắt gặp giàn chiêng
trống tiễn đưa bà cụ về cõi vĩnh hằng. Rồi đôi khỉ cũng già đi khi chúng tôi
chưa rời ngưỡng cửa trung học. Thỉnh thoảng ánh mắt vô tình lướt vào, tôi
vẫn còn thấy vài đứa học trò nhỏ đang xúm ghẹo đôi khỉ. Hai đôi mắt của
chúng không còn tinh anh và cử chỉ của chúng cũng đã chậm chạp đi nhiều. Tất
cả mọi thứ đều cũ kỹ theo thời gian, chỉ có bọn tôi đang tuổi lớn, háo hức
nhìn về phía trước.
*
Ấn tượng về những con khỉ trong
tôi đâu chỉ dừng lại ở đôi khỉ con và cái quán. Trong ba anh em, tôi là
người thua kém nhất nhà về ngoại hình. Nếu anh và em gái tôi thừa hưởng
chiều cao từ ba tôi, thì tôi thừa hưởng thước tất khiêm tốn của mẹ. Và đã
vậy, tuy mẹ tôi hồi ấy cũng nổi tiếng một thời về nhan sắc và ba tôi cũng có
thể gọi là đẹp trai, thế nhưng tôi lại nhận được ở bà và ở ông những nét mà
người ta thường tiếc rẻ “giá mà đừng có …” trên gương mặt của hai người. Tôi
thuộc lòng câu chuyện mẹ tôi đã kể không biết bao nhiêu lần về cái ngày tôi
còn nằm trong bụng bà. Hồi ấy anh tôi thường sốt cao và lên cơn co giật.
Người ta bày đem một con khỉ về nuôi sẽ hết. Ba tôi lặn lội đi vào một nơi
cách xa nhà mấy chục cây số xin được một con khỉ, về cột nó ở nhà sau, chỗ
có kê chiếc ghế bố mẹ tôi thường ngồi. Mẹ tôi, khi ấy đang có mang tôi, buổi
chiều ra ngồi trên ghế bố. Đọc sách chán chê, bà lại nhìn con khỉ cũng đang
nhìn bà ủ dột không kém vì lạ nhà, xa bầy, lẻ bạn.
Một hôm có một người bạn của ba
tôi đến thăm gia đình. Thấy mẹ tôi đang ngồi nhìn con khỉ, ông buột miệng
nói: “Người ta có mang, nhìn những hình ảnh đẹp, đẻ con cho đẹp, sao chị lại
nhìn con khỉ?”
Mẹ tôi giật mình, không dám nhìn
con khỉ nữa. Thế nhưng, lúc ấy tôi cũng đã đủ thời gian nằm trong bụng bà và
ngọ ngoạy muốn ra đời rồi. Đó là lý do mẹ tôi lý giải về ngoại hình của tôi:
“Lúc đẻ nó ra bé tí xíu, xấu ơi là xấu, cái mặt giống hệt con khỉ hồi ba mới
đem về làm mẹ sợ quá chừng. Đã vậy ăn cơm nó cứ ngậm trong miệng, thức ăn
đầy hai bên má, nhắc mãi nó mới lấy tay đẩy thức ăn ra nhai, giống như
khỉ!”. Lớn lên thấy tôi học giỏi, thỉnh thoảng bà lại nói vui: “Hồi đó người
ta an ủi mẹ sau này nó sẽ thông minh!”.
Có lần con khỉ bị xổng. Mẹ tôi đi
tìm dáo dác khắp xóm. Khi phát hiện nó ở trong nhà bà Tám, cách nhà tôi mấy
căn, mẹ tôi xin về, bà Tám không chịu: “Khỉ này là khỉ rừng, nó chạy lạc vô
nhà, tui bắt”. Mẹ tôi không biết kêu ai làm chứng, biết bà Tám theo đạo
Thiên Chúa, mẹ tôi nói: “Con khỉ này ông nhà tôi xin của cha Xứ, bà không
trả, tôi vào mách cha”. Bà Tám nghe nói mách cha, lật đật trả.
- Rồi sau đó nó đi đâu sao lớn
lên tụi con không thấy? Anh em chúng tôi lúc ấy đang ngồi vòng tròn quanh
mẹ, hỏi dồn.
- Sau này, ba muốn nuôi gà, cậu
Bảy đóng cho ba cái chuồng gà, thấy cậu thích con khỉ ba tặng. Cậu Bảy quý
nó lắm, đi đâu cũng mang theo. Lần đó, đi Đà Lạt, cậu cho con khỉ đi cùng,
dọc đường xe bị tai nạn, cậu không sao nhưng nó bị thương nặng rồi chết. Cậu
Bảy nói, con khỉ hy sinh cho cậu, nếu không có nó cậu đã không còn.
Cậu Bảy không phải là cậu của
chúng tôi. Cậu là em ruột bà Tư, bạn láng giềng của mẹ tôi. Bà Tư người
trong quê, lấy chồng ra phố. Hồi ấy hai nhà ở cạnh nhau. Lũ chúng tôi đồng
trang lứa lớn lên theo từng lớp học : từ mẫu giáo trường làng, lên trường
huyện… Họ hàng bên nhà tôi là ai cũng như họ hàng bên nhà bà Tư chúng tôi
đều thân thiết coi như người nhà. Hình ảnh cậu Bảy luôn gắn liền trong ký ức
tôi những ngày chợ tết. Đúng 25 tháng chạp, cậu Bảy áo bà ba đen, quần dài
trắng, đầu đội mũ cối màu cháo lòng, chân đi đôi dép nhựt gần đứt quai, có
cột sợi dây thép, tay xách cái túi đi chợ tết. Năm nào đến 25 không thâáy
cậu, bà Tư lại nhắc: “Sao giờ này chưa thấy cậu Bảy đi chợ tết!”. Cậu Bảy đi
chợ về ngồi ở hàng hiên nhà bà Tư, lũ chúng tôi xúm lại, vòng tròn quanh
cậu, tò mò nhìn cậu bỏ từng món đồ ra khoe:
- Mua mấy cái tim đèn hột vịt,
đèn cù lao về thay, mua ít bộ quần áo giấy, nhang, trầm, mua thêm dây bánh
in, thấy cây vạn thọ trồng trong lon sữa bò đẹïp quá mua luôn … Quên chưa
mua lít dầu lửa … Thôi mai mốt đi tiếp, còn mấy ngày nữa mà!
Ngày tết ở trong quê cậu Bảy vui
hơn ngoài phố. Cả xóm hùn lại làm một con heo rồi chia nhau, nhà nào năm đó
có van vái điều gì thì đăng ký trước cái đầu heo. Thịt heo chủ yếu để hầm
măng. Món măng hầm là món có thể hâm đi, hâm lại, múc lên cúng trong mấy
ngày tết chẳng sợ bị rã mà ngược lại càng hâm càng ngon. Hai ba tháng chạp
cậu Bảy dựng nêu. Cây nêu là cây cau thật cao, trên ngọn cậu treo một cái
giỏ, bên trong đựng ít trầu, cau, cái bình vôi, bánh in… Cây nêu này sẽ được
hạ xuống vào mùng bảy tết. Tối ba mươi cậu Bảy rước ông bà, trên bàn thờ
phải có đủ ba thứ: cua, tợ, hột. Tợ là món thịt luộc, hột ở đây là trứng gà
hay trứng vịt. Cậu Bảy gọi là cúng tam sanh. Mẹ tôi thì cho rằng: cúng tam
thanh là cúng ba vị thánh (?).
Ngày mùng một tết, cậu Bảy áo dài
đen, quần dài trắng, mang đôi dép thật mới ra nhà bà Tư rồi qua nhà tôi chúc
tết. Hồi ấy, mẹ tôi thường nói: “Nghĩ chưa thấy ai hà tiện như cậu Bảy. Nhà
cũng ruộng, cũng vườn, có lúa, có rau … Vậy mà bốn mùa, tám tiết chỉ có cái
áo bà ba săng đầm(2), cái quần ngả màu cháo lòng, đôi dép gần đứt quai, tết
mới diện bộ đồ mới”. Bà Tư nói: “Bộ đồ cậu mặc dễ chừng hơn mười cái tết.
Mặc đúng ba ngày cậu giặt rồi xếp cất, chờ đến sang năm”.
Ngày mùng ba cúng đưa. Tờ mờ sáng
đã thấy mợ Bảy đi chợ đầu năm. Hình ảnh mợ Bảy in đậm trong tôi với chiếc áo
dài màu đen vá quàng. Vá quàng là một cái áo dài bị rách tay hay cùi chỏ,
hay bị rách ở phần thân trên. Người ta mua miếng vải mới, hay xin vải cũ
tiệp màu về cắt bỏ phần rách và vá lại thành một chiếc áo lành lặn. Bây giờ
mẹ tôi vẫn thường nói: “Chẳng có thợ nào biết vá quàng khéo như ngày xưa”.
Hồi đó, thứ đầu tiên tôi thấy mợ Bảy mua là lòng heo. Mợ giải thích: “Cúng
đưa ông bà chủ yếu là tấm lòng thành của con cháu. Bắt buộc phải có món lòng
luộc, dụng lòng chớ không ai dụng thịt là vậy. Chợ đầu năm lòng heo là thứ
mắc nhất, nhưng ai cũng phải mua”.
Mất con khỉ ba tôi tặng, cậu Bảy
xin được ở đâu một con khỉ con khác. Lần này cậu đặt tên là con “Nuôi”. Cậu
Bảy cưng con Nuôi lắm, được cậu tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, đi đâu cậu cũng
bồng theo. Sợ nó đi mất, cậu đeo ở cổ nó cái vòng da, và móc một sợi dây
xích nhỏ. Con Nuôi ngồi trên vai cậu, một tay cậu nắm dây xích, một tay cậu
vuốt ve đôi chân nó. Có lần con Nuôi tuột xích bỏ trốn. Cậu Bảy dáo dác tìm
khắp làng trên xóm dưới. Đến khi thoáng thấy bóng con Nuôi từ xa, cậu đưa
tay ngoắc, miệng kêu: “ Giòn, giòn, giòn, giòn(3)…. Về nhà con …”.
Mẹ tói kể, hồi nuôi con khỉ, mẹ
đi lên nó ngó theo lên, đi xuống nó liếc xéo xuống, coi mình làm gì để bắt
chước. Theo lời ông ngoại, ngày xưa nhà tranh, người ta nuôi khỉ trong nhà,
hàng ngày nó để ý người làm gì. Một hôm trốn ra được, khỉ trèo lên mái nhà
bắt chước người nhóm lửa nấu cơm, thế là người ta gán cho khỉ tội đốt nhà.
Kể chuyện khỉ đã đời, mẹ tôi quay về cái quán ngày xưa: “Của một ông đi
lính, giải ngũ về, lấy vợ, mở quán. Giờ chẳng còn khỉ cũng như không có
quán, nhưng cái tên thì còn mãi”.
Gần hai mươi năm chúng tôi bỏ thị
trấn, về thành phố lập nghiệp. Trẻ theo cha, già theo con. Ba tôi mất, mẹ
tôi theo con cháu ra thành phố. Những ngày tết xưa của mẹ tôi đã lùi vào quá
khứ. Nồi măng hầm, những tràng bánh mứt phơi cho thật trắng, những đòn chả
lụa nóng hổi, được làm nên bởi những âm thanh và khoảng không gian những
ngày giáp tết. Tờ mờ sáng, có tiếng chày giã chả đồm độp của mẹ ngoài sân.
Tôi mắt nhắm, mắt mở cầm đôi đũa tre chận thịt trong cối đá không cho tràn
ra ngoài theo nhịp chày của mẹ, rồi giã tiêu, bóc tỏi... Chút thịt vét cối
thế nào mẹ cũng gói một cuốn chả nhỏ xíu, mấy anh em giành nhau ăn. Đặc biệt
chả lụa quê tôi duy nhất không đâu có được là khi ăn có mùi nước mắm.
Tình mẹ mênh mông và bao la như
đại dương. Một chiều tôi đứng trước biển, thả tầm mắt theo một màu xanh ngăn
ngắt kéo dài mãi đến tận chân trời. “Con sóng biển dâu đã mang tình về quê
quán cũ”(4). Sóng vỗ thật nhẹ vào bờ như một giai điệu ngọt ngào đưa quá khứ
hiện về trong ký ức, ở đó mẹ và nơi chôn nhau cắt rốn luôn là một. Những
ngày tết xưa, những chiều nhạt nắng, ngõ nhỏ, xóm nhỏ …. và quán xưa … Tất
cả như nắm cát trôi tuột từ trong lòng bàn tay, rơi xuống …. Niềm vui, nỗi
buồn, nụ cười, nước mắt …. Tất cả đã làm nên những điều kỳ diệu cho cuộc
sống … . |