ĐOẠN KẾT CÓ HẬU
- Đào Thị Thanh Tuyền -
Giang thức
dậy khi có tiếng bầy chim sẻ líu ríu bên ngoài khung cửa sổ. Nhìn qua khung
kính chớp cô thấy trời đã xanh ở bên ngoài, có tiếng người đi bộ lao xao
dưới đường cùng tiếng chổi quét sàn sạt; tiếng còi tàu từ xa như đánh thức
những miền ký ức, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, thỉnh thoảng lại chen vào
tiếng còi xe... những âm thanh quen thuộc của buổi sáng níu cô nằm nán thêm
một chút nữa. Phải một lúc lâu Giang mới nhớ được rằng tối qua mình đã đi
ngủ rất sớm và ngủ say đến nỗi không biết phòng trên lầu con gái lớn tắt đèn
khi nào cũng như trong đêm không hề có một giấc mơ. Giấc ngủ đến dễ dàng và
sâu như thế do cô đã trải qua hai đêm gần như thức trắng trong bệnh viện để
chăm thằng con ốm. Một buổi chiều đi học về thằng bé kêu đau bụng bỏ cơm và
tối đó nó ôm bụng quằn quại suốt. Hai vợ chồng hoảng quá bồng con đi bệnh
viện. Tại phòng cấp cứu phải mất hai ngày trời nằm chờ để theo dõi vì nghi
vấn đau ruột thừa. Những ca đánh nhau, đụng xe với đầy máu me vào ra tấp nập
làm thằng bé hoảng, không xác định được vị trí đau ở chỗ nào. Cứ mỗi lần vị
bác sĩ khám đè tay lên bụng phải là nó kêu đau, thế là tất cả mọi ăn uống
cũng như thuốc men đều phải tạm ngưng cho đến khi thằng bé đói lả mới được
chuyền dịch tiếp sức chống chọi với cơn đau. 24 giờ theo dõi không có hiện
tượng sốt, ói thằng bé được chuyển vào khoa nhi. Tại đây, sau khi được cô
bác sĩ cho uống mấy viên thuốc thằng bé hết đau bụng, đòi ăn và đòi.. về:
- Con ớn bệnh viện quá rồi!
Ai mà không ớn cái nơi lúc nào
cũng xộc mùi nước javel, đầy những khuôn mặt thấp thỏm lo âu hay đau đớn
nhưng làm sao về được khi chưa tìm ra nguyên nhân căn bệnh? Giang đã trả lời
con như vậy và cô giao ca cho chồng:
- Tối nay anh ngủ ở bệnh viện với
con nghen, em về nhà ngủ chớ chịu hết nổi rồi!
Nhìn vẻ mặt nhăn nhó và cái chặc
lưỡi của chồng mà Giang thấy nản.
- Ngán quá, ngủ trong này làm sao
nghe đài…
Thật là hết biết! Thở hắt ra một
cái, Giang quay sang thằng bé đang cầm cuốn truyện tranh:
- Mày chẳng bằng cái đài của bố!
Nói như thế nhưng lệnh đã đưa ra
thì chỉ có chấp hành. Giang gói ghém mọi thứ ra về sau khi dặn chồng cho con
uống thuốc. Biết tính Thịnh rất thích nghe đài, thích nhất là những khi có
tin “động dao, động thớt” trên thế giới, chẳng hạn như có một ông tổng thống
bí mật đi thăm quân lính đang chiến đấu ở điểm nóng, bọn khủng bố đặt bom ở
đường tàu điện ngầm hay chuyện cháy lớn ở một ký túc xá tận đẩu tận đâu…
Giang trấn an:
- Chắc là đêm nay thế giới chẳng
xảy ra chuyện gì đâu, anh yên tâm ở trong này với con đi.
Ngoài việc thích nghe đài, Thịnh
còn thích nhậu. Mà cũng thật lạ những sự cố trên thế giới hình như chỉ chực
xảy ra vào những hôm Thịnh... xỉn. Bây giờ nhớ lại khuôn mặt dài thượt đầy
tiếc nuối của Thịnh mỗi khi nghe cô tường thuật tin tức Giang không khỏi bật
cười. Vốn rất ghét chồng nhậu, những lần có tin nóng Giang luôn kể lại với
bộ điệu hả hê, thêm thắt ít nhiều vào đó cho tăng thêm phần gay cấn, cho
thêm phần tiếc nuối của Thịnh.
Bầy chim sẻ lại trở về lao xao,
ríu rít trên cây me bên ngoài cửa sổ, một con chó nhà ai đang sủa gắt kéo
một con chó khác hưởng ứng theo. Giang nhìn đồng hồ và rồi cô bật người dậy
thật nhanh, nói một mình: “Thôi chết hơn 6 giờ rồi, vào trễ chắc ổng kình
quá!”. Vừa xếp dọn mùng mền và làm vệ sinh cá nhân Giang vừa tính toán, sắp
xếp sẽ đem thứ gì vào cho thằng bé, cô dự tính sáng nay sẽ cho nó ăn cháo ở
bệnh viện luôn. Những tia nắng đầu ngày lung linh nhảy múa theo từng con phố
Giang qua, buổi sáng còn lớt thớt xe cộ và dòng người đi tắm biển thong thả
trở về tạo cho đường phố một nhịp điệu nhàn rỗi và trong trẻo. Tự nhiên thấy
lòng thật nhẹ nhõm, Giang buột miệng hát vu vơ vài câu hát trên đường.
Dắt xe vào bãi, nhận miếng giấy
gởi xe, Giang bỏ chìa khoá xe và miếng giấy vào trong chiếc ví nhỏ xíu của
cái móc khoá. Đây là chìa khóa riêng của Thịnh. Cũng thật tiện lợi, lát nữa
cô sẽ đưa chùm chìa khóa cho Thịnh là anh có tất cả vừa chìa khóa nhà, chìa
khóa xe và miếng giấy gởi xe.
Đi vòng qua căng tin bệnh viện,
Giang dừng lại mua cho thằng bé con hộp sữa bột. Đứng thật lâu ở quầy xem
xét đủ loại sữa, cuối cùng cô chọn một hộp sữa bột ngày xưa thằng bé thường
uống. Cầm hộp sữa, Giang nhớ lại thời nó còn bé, bụ bẫm, trắng hồng và xinh
như một con búp bê; mỗi khi đặt nó vào trong xe đẩy, đôi cánh tay và đôi
chân no tròn đưa lên nổi rõ trên nền màu vải tím, nhìn chỉ muốn cắn; rồi cô
thở hắt một cái đầy tiếc nuối khi nghĩ đến bộ dạng còm nhom ốm đói của nó ở
tuổi lên chín bây giờ. Nó gầy đến nỗi mỗi lầm nắm lấy cái cùm tay bé tẻo
Giang liền liên tưởng đến cái cẳng gà con yếu ớt và mỏng mảnh làm sao! Gầy
còm như vậy mà quậy thì hết nói, không chiều nào nó đi học về mà Giang không
ớn: cái áo sơ mi trắng ủi thẳng ban sáng thành bèo nhèo và lấm lem bụi đất,
chưa kể có hôm đầy vết mực đến nỗi vừa bước chân vô nhà Giang đã phải vội
bảo nó đi tắm! Đầu óc mông lung, Giang chợt giật mình: “Không biết tối qua
nó có làm sao không?”, cô lật đật bước mau vào buồng thang máy.
Đón Giang ở cửa phòng là vẻ mặt
không giấu nổi sự sốt ruột của Thịnh. Trong phòng thằng bé con đang tươi
tỉnh chơi điện tử với thằng bé giường bên, hai đứa vừa bấm vào cái hộp vừa
cười, nói như chưa hề có những cơn đau quằn quại trước đó. Bày các thứ ra
giường và sắp xếp cho gọn xong Giang ngước lên nói với chồng:
- Thôi anh về đi, ở nhà còn thịt
kho và trái bí trong tủ lạnh, trưa nay nấu nồi canh hai cha con ăn, khỏi
mang cơm vào, em và con ăn trong bệnh viện…..
Thịnh xoè tay:
- Đưa anh chùm chìa khóa.
Giang lục một chiếc lục túi.
Không thấy. Lục chiếc túi thứ hai, cũng không. Tất cả những món đồ mới vừa
xếp gọn bị xổ ra tung toé, chùm chìa khóa không nằm trong danh mục các thứ
đang có lúc này. Giang suy nghĩ nhanh, chỉ có bỏ quên ở căng tin lúc mua sữa
mà thôi, rồi cô lao ra khỏi phòng. Bước đến buồng thang máy sực nhớ lại
trong ví nhỏ của cái móc khoá có chìa khóa xe và miếng giấy gởi xe, Giang
quay ngược trở lại nói với Thịnh:
- Anh xuống bãi giữ xe nhanh đi,
lỡ kẻ gian nhặt được chìa khóa lấy mất xe, em quay lại căng tin để tìm.
Thang máy đang bận, bước chân
Giang như bay xuống những bậc cấp của cầu thang bộ. Thở hổn hển ở quầy căng
tin, Giang nói không ra hơi với cô bán hàng:
- Em coi giùm khi nãy chị có bỏ
quên chùm chìa khóa không?
Cô bán hàng bình thản:
- Không thấy, nếu có em đã giữ
cho khách rồi.
Giang chợt nhớ lại lúc trả tiền
có một người đàn bà trờ tới hỏi cô mua hộp sữa bao nhiêu. Chẳng lẽ chùm chìa
khóa bị mất trong tình huống ấy? Khúc phim quay chậm lại trong đầu nhiều
tình tiết đan xen, mỗi tình tiết là một nghi vấn. Ai lấy? Không thể nghi ngờ
như thế được. Hay là làm rớt? Không thể nào đánh rơi chùm chìa khóa cồng
kềnh như thế mà không nghe tiếng động. Tuy là nghĩ như vậy nhưng bước chân
của Giang cũng đi ngược trở lại con đường khi nãy cô vào, mắt dán chặt xuống
nền xi măng. Ra đến bãi giữ xe, Giang đụng ngay vẻ mặt căng thẳng của Thịnh.
Vừa thấy Giang, Thịnh hỏi thật to:
- Tìm thấy không?.
Cô chậm rãi lắc đầu vô vọng:
- Không thấy.
Thịnh quay qua người giữ xe:
- Anh chú ý giùm chiếc xe này mất
thẻ xe và cả chìa khóa. Trong tình huống này thủ tục lấy xe ra như thế nào?
Người giữ xe đưa cho Thịnh một tờ
giấy bảo khai báo và mang giấy tờ xe cùng chứng minh nhân dân đến lãnh xe.
Chiếc xe này là của Giang, nghe vậy Giang nói nhanh với Thịnh:
- Anh lên với con đi, em sẽ về
nhà lấy giấy tờ và chìa khóa.
Cô biết rõ nơi cất mọi thứ, để
cho Thịnh về lấy lúc này, anh sẽ lục tung hết cả, Giang ớn nghe những lời
càm ràm của Thịnh lắm! Cùng phụ với người giữ xe đẩy chiếc xe vào một góc,
dặn dò cẩn thận xong Thịnh quay vào bệnh viện, ném lại cho Giang một câu:
- Đầu óc để đâu không biết nữa…
Bước ra cổng bệnh viện, Giang
ngoắc vội chiếc xe ôm. Trên đường về cô điểm lại trong chùm chìa khóa đã mất
có chìa khóa nhà, chìa khóa xe của Thịnh và mấy chìa khóa nữa chắc có lẽ của
cơ quan Thịnh. Như vậy là phải thay chìa khóa nhà rồi, còn chìa khóa xe kể
từ hôm nay phải luôn cảnh giác chiếc xe của mình và của Thịnh có thể bị mất
bất cứ lúc nào, đầu óc Giang loanh quanh lẩn quẩn với mấy chiếc chìa khóa
cho đến khi xe dừng lại trước nhà. Dặn dò người chạy xe ôm chờ, Giang bấm
chuông cửa gọi con gái, phải một lúc lâu cô mới nghe tiếng chân nặng trịch
của nó cùng giọng ngái ngủ đặc sệt:
- Sao mẹ không mang chìa khóa?
Hết bố rồi giờ đến con phàn nàn!
Giang trả lời con với âm điệu hơi lớn:
- Mẹ làm mất chìa khóa nhà của bố
cùng chìa khóa xe và thẻ gởi xe. Phải về lấy giấy tờ để lãnh xe ra.
Con bé mở cửa, Giang đi nhanh lên
lầu. Người chạy xe ôm có lẽ hiểu được phần nào câu chuyện của Giang qua mẩu
đối thoại với con gái khi nãy, trên đường đến bệnh viện anh ta hỏi thăm
Giang mất chìa khóa lúc nào, ở đâu … Giang trả lời không nhiệt tình lắm vì
cô nghĩ có kể lể dông dài càng thêm rối, vấn đề quan trọng là phải thay chìa
khóa nhà và làm thêm hai vòng khóa xe. Tuy vậy cô cũng nhận được một câu
thật hào phóng:
- Tui thuộc lòng hết trong bệnh
viện, chút nữa tui vô coi thử có ai lượm được nhắn trả lại cho cô.
Một câu hứa hẹn vu vơ theo kiểu
kiếm câu chuyện làm quà, chẳng vẽ được viễn ảnh gì sáng sủa hơn trong lúc
này và Giang mau chóng quên đi.
Làm thủ tục lấy xe xong Giang bấm
điện thoại di động gọi chồng xuống. Người qua kẻ lại nhộn nhịp, lao xao
trước mắt Giang. Khuya trước vợ chồng Giang cũng bồng con vào lối này, đây
là nơi chẳng bao giờ biết ngủ. Một chiếc honda chở ba người cua gấp vào
cổng, chưa kịp dừng đã thấy người phía sau nhảy xuống thốc vội người ngồi
giữa vào phòng cấp cứu. Cánh cửa sắt mở ra, vài người tranh thủ len vào. Anh
bảo vệ một tay giữ cánh cửa sắt, một tay gạt đám đông, miệng la lối. Sự sốt
ruột làm người ta giả điếc, giả câm! Trật tự được vãn hồi chưa được bao lâu
thì một chiếc taxi trờ tới, cảnh hỗn độn lại diễn ra, khúc phim quay lại
thật hoàn hảo như được xếp đặt dưới bàn tay một đạo diễn tài hoa.
Lại có tiếng lao xao ngoài cổng,
Giang quay ra thì vừa thấy Thịnh đang đi tới. Kìa! Mắt Giang có nhìn lầm
không nhỉ? Trên tay Thịnh đang ngúc ngoắc chùm chìa khóa. Giang chớp mắt
nhìn cho kỹ, đúng là chùm chìa khóa có cái ví màu đen nhỏ xíu kèm theo.
Giang hỏi vội vàng:
- Anh thấy nó ở đâu vậy?
- Lúc anh qua dãy lan can, có một
người đang ngồi đó tay cầm chùm chìa khóa, nghi nghi anh bước đến hỏi và
nhận lại.
Câu trả lời quá ngắn không thỏa
mãn sự tò mò của Giang:
- Có phải một người đàn bà đen và
ốm không?
Thịnh lắc đầu:
- Một người đàn ông anh cũng
chẳng nhìn kỹ.
Thế gian sao có người thờ ơ đến
vậy chứ! Giang nghĩ như thế khi nhìn Thịnh chạy xe ra cổng và khuất dạng ở
góc cua một con đường. Quay vào bệnh viện, ngang qua dãy lan can Giang dừng
lại một chút cố tìm thử người đàn ông nào đã trả chìa khóa cho Thịnh. Rõ là
vô vọng, thông tin Thịnh cung cấp quá mơ hồ và chung chung, ở một nơi rộng
lớn và phức tạp này có biết bao nhiêu người đàn ông theo kiểu Thịnh nói.
Chợt cô nhớ lại người chạy xe ôm. Vô lý, khoảng thời gian làm thủ tục lấy xe
ngắn lắm làm sao anh ta có thể vào bệnh viện “kiếm ai đó” nhắn trả lại cho
Giang? Mà anh ta biết Thịnh là ai? Đầu óc Giang lộn xộn. Nghĩ một hồi đâm
rối! Quả là hệt một câu chuyện cổ tích theo kiểu cầu được ước thấy, có đoạn
kết hoàng tử và công chúa cưới được nhau sau khi vượt qua bao mưu chước của
mụ phù thủy. Sực nhớ thằng bé con đang ở trong phòng bệnh và chưa được mẹ
cho ăn sáng Giang lật đật bước mau.
*
Cho đến bây giờ thời gian đã qua
lâu rồi nhưng mỗi khi có dịp chạy xe ngang bệnh viện, Giang luôn nhớ lại
chuyện mình bị mất chìa khóa và trong cô lại hiện lên câu hỏi: “Ai đã trả
chùm chìa khóa cho Thịnh nhỉ?”. Lý giải mãi không được, cuối cùng Giang kết
luận một câu như lời nhắn nhủ riêng cho mình: “Cái tốt luôn tồn tại cả trong
những khi bị cái xấu lấn át. Đừng bao giờ tuyệt vọng, mọi thứ rồi sẽ qua,
cuộc sống sẽ tốt đẹp với một đoạn kết có hậu”.
. |