LÀM ĐƯỜNG
Con đường Trần Bình Trọng nằm song song và cách đường
Ngô Gia Tự chỉ một đoạn phố ngắn, có đường Nguyễn Hữu Huân chạy cắt ngang.
Đường Ngô Gia Tự là đường phố chính, được láng nhựa từ ngày nào xa lắc xa
lơ, khi chưa hề có bọn nhỏ ra đời. Đường Trần Bình Trọng và Nguyễn Hữu Huân
là đường đất, lại thấp nên nước cả khu vực đổ về. Mùa mưa nước thành hố,
thành vũng. Người ta cứ đổ đất cho cao lên, lâu dần nền nhà nào cũng thấp
hơn mặt đường gần cả ba tấc.
Một buổi
sáng, bỗng từ đâu rùng rùng mấy xe ủi, xe xúc đất chạy đến. Thế là đất được
cày xới lên bằng một xe ủi. Đất chất cao thành từng đống thật lớn, đợi xe
xúc đến làm nhiệm vụ múc đất lên xe tải chở ra ngoài thành phố. Hàng cây hai
bên đường trồng chẳng theo một quy cũ nào như: trước nhà ông Hai là hai cây
trứng cá, trước nhà cô Hiền là hai cây bông giấy, trước nhà thằng Bin là ba
cây dừa, nhà thằng Ti ở ngay ngã tư, có hàng cây lá bạc đầu bên hông, tất
thảy đều bị đốn ngã. Đang là mùa hè, khu phố rộn ràng xe ủi, xe xúc. Bọn trẻ
con trong nhà không yên, nhấp nha nhấp nhỏm chờ người lớn lơ đễnh chạy ra
ngoài trầm trồ, chỉ trỏ.
Ngày đầu
tiên, cây ngã rạp ngổn ngang, đất chất thành từng đống, thế là con đường
bỗng dưng trở thành nơi chơi trò chơi trốn tìm vào buổi tối. Tha hồ mà núp,
núp chỗ nào cũng kín, dưới những nhánh cây, phía trong đụn đất.... Buổi tối,
ba thằng Bin đi làm về, bước ra cửa sau nhìn nhìn, ngó ngó. Bọn con nít xóm
dưới chạy qua, chạy lại, tìm kiếm lom lom vào đống cây ở ngay dưới chân ba
thằng Bin. Ba nó cao giọng: “Tụi mày tìm gì?”. “Dạ con tìm thằng Lúc”. À,
mấy đứa nhỏ đang chơi trốn tìm, ba thằng Bin lẩm bẩm rồi bước vào nhà. Mỗi
ngày, con đường lại được cày xới nhiều hơn, đất được múc đi nhiều hơn. Một
tuần lễ liền, chạy bộ từ đường Ngô Gia Tự rẽ vào Nguyễn Hữu Huân bỗng dưng
bước chân tụi nhỏ thấy không còn phải lên dốc nữa. Rồi xe rải đá kéo đến, đổ
từng đống đá dăm cao nghệu. Mấy cô chú công nhân bịt mặt, cầm xẻng bang đá
ra đường. Phía bên nhà thằng Bin là bên làm cống, bên nhà thằng Ti được rải
đá, làm boọc-đưa trước. Bọn trẻ chiều nào cũng ra ngồi trên đống đá, đoán
già đoán non. Trò chơi trốn tìm chuyển thành các trò chơi khác tùy theo điều
kiện và trí tưởng tượng, ngày nào cũng vẽ nên được trò để chơi. Người lớn
hết quản bọn trẻ con nổi, cấm chỗ này chúng thòi chỗ khác, thôi thì cho tụi
có chơi rồi tối về tắm trước khi đi ngủ.
Con đường do bị cày
xới, xe đổ rác phải đi đường khác. Ở đường Nguyễn Hữu Huân phải ta tận Trần
Bình Trọng đổ rác, mọi người ai cũng đều bíết thế. Nhưng đã là thói quen,
muốn bỏ đâu phải ngày một, ngày hai, có người vẫn quên, buổi tối bước ra
khỏi nhà quẳng túm rác trên đường Nguyễn Hữu Huân đang ngổn ngang đất đá.
Thằng Ti làm sếp sòng ba cái vụ này rất giỏi. Ban đầu là cô Hiền, chắc buổi
tối cô vội đi đâu, cô đem túm rác bỏ đại trên đường, chỗ tập kết rác cũ.
Thằng Ti đang ngồi đấu láo với thằng Bin thấy vậy chạy tới, nó lễ phép nói
với cô Hiền:
- Cô Hiền ơi, rác bỏ ở
đây xe rác không lấy được, cô bỏ đằng kia kìa.
Vừa nói, tay nó chỉ về
phía ngã tư Trần Bình Trọng – Nguyễn Hữu Huân. Không biết cô Hiền đang bực
mình ai, nạt thằng bé:
- Tao bỏ chỗ nào kệ
tao, mắc mớ gì đến mày.
Thằng Bin chạy đến, nó
lớn hơn, biết ăn nói hơn, chững chạc nói với cô Hiền:
- Cô bỏ chỗ này xe rác
không đến lấy được, ngày mai, chó tha hôi thối, vung vãi.
- Á …. à, bọn mày là
đứa nào mà lên mặt dạy khôn?.
Bọn con nít kéo đến
hùng hùng, hổ hổ nhìn cô Hiền như để sẵn sàng bên vực đồng đội, làm cô Hiền
chột dạ, thôi thì tụi nó nói cũng đúng, mình phải đem túi rác bỏ đúng chỗ
thôi. Cô liếc xéo bọn trẻ một cái rồi cúi xuống lượm túm rác băng qua đường
Trần Bình Trọng. Cứ thế, từ lúc nào không biết, bọn trẻ con buổi tối tự dưng
trở thành người “canh rác”. Mà cũng đúng thôi, khu vực đường Nguyễn Hữu Huân
này, từ hồi nào đến giờ có mấy nhà hay đổ rác ẩu, thường là đầu têu chuyện
cãi nhau của hàng xóm láng giềng.
Thằng Bin, lớn nhất
trong đám một hôm bỗng nảy ra ý kiến:
- Thế này nghe, mai
mốt đường làm xong sạch sẽ rồi, chắc có lẽ phải quy định ra một luật lệ đổ
rác. Chỉ khi nào có tiếng kẻng đánh mới được mang ra. Chớ có mấy nhà hay đem
bỏ rác ra đường từ sớm, chó tha, rồi lại mấy ông tìm bị nylon bơi nữa, khu
phố mất đẹp.
Bọn trẻ con hưởng ứng:
- Thì phải canh như
vầy nè, canh không cho đổ rác sớm.
Thằng Ti dè dặt hơn :
- Tụi mình có ở nhà
thường xuyên đâu mà canh, rôi còn phải học bài nữa chớ!.
- Thì rãnh lúc
nào,canh lúc đó. Đứa nào đó cao giọng nói.
Chuyện canh rác thế là
chấm dứt, đề tài được chuyển sang mai mốt không biết sẽ trồng cây gì mà cả
bốn mùa đều có bóng mát hai bên đường. Có đứa mơ mộng hơn:
- Phải có hoa để ngắm,
có trái để ăn nữa....
Rồi đến việc con cá
cảnh nhà thằng Lúc vừa chết hồi chiều, đủ thứ chuyện, chuyện tắm biển,
chuyện phim trên TV. Đến khi tiếng xe ba thằng Bin trở về nhà, là tụi nhỏ
bắt đầu giải tán, hôm nay trên truyền hình có phim Tây Du ký phần hai.
Anh thằng Bin về nhà
nghỉ hè khi mùa hè đã trôi qua một nữa. Con đường vẫn còn lung tung đủ mọi
thứ để vẫn còn có thể tiếp tục trò chơi trốn tìm. Một hôm, từng xe tải chạy
đến hạ những chiếc cống to thật to, đường kính dễ gần cả thước. Bọn thằng Ti
mừng lắm, giờ đây tha hồ mà chạy núp trong ống cống. Con đường đang ngổn
ngang đất đá nên chẳng có một chiếc xe nào chạy qua, bọn trẻ tự dưng có được
chỗ chơi vào buổi chiều khi mà công nhân và xe ủi kéo về hết. Anh thằng Bin
về nhà hết có chỗ ngồi ôm đàn từng tưng mỗi buổi tối. Hồi đó anh nó thường
ngồi trước hiên khảy đàn, giờ trước hiên nhà nó đất chất thành từng đống,
bên dưới lại có hố ga. Anh thằng Bin đi ra đi vô trong nhà bực bội. Thằng
Bin ngỏ ý nói chơi:
- Sao anh không ra
trước nhà, ngồi trên ống cống mà đánh đàn, coi bộ giống như đang ngồi khảy
đàn trên lưng chừng núi.
Vậy mà anh thằng Bin
làm thật, xách cây ghi ta ra ngồi trước nhà, bọn trẻ con xúm lại, buổi tối
khu xóm vang lên tiếng đàn của anh thằng Bin cùng tiếng đồng ca của bọn trẻ,
đứa thì ngồi chễnh chệ trên ống cống, đứa thì chui vào bên trong, đứa làm bộ
đứng vắt vẻo chân bên ngoài cho giống trong phim. Chúng hát đủ bài, tiếng
đàn bập bùng, chỉ thiếu có đống lửa là giống như đang đi cắm trại. Cô Hiền,
từ trong nhà đi ra, tay cầm túm rác, băng qua đường nhón nhén đôi dép cho
khỏi cát lấm vào bên trong, nghe bọn trẻ đang hát bài hát hồi cô đi thanh
niên xung phong, cô lẩm nhẩm hát theo. Ánh đèn cao áp soi rọi nghiêng
nghiêng, bọn trẻ con vỗ tay theo nhịp đàn của anh thằng Bin. Lâu lắm mới
thấy được khung cảnh yên bình nhưng rộn ràng như thế này. Người lớn bỗng
dưng kéo hết ra cửa đứng nhìn bọn trẻ hát hò át cả tiếng xe ba thằng Bin đi
làm về. Bọn trẻ quên mất tối nay trên truyền hình có phim Tây Du ký phần
hai.
Đào thị Thanh Tuyền |